Vi Nhựa – Nỗi Ám Ảnh Với Sức Khoẻ Con Người

Hạt vi nhựa (microplastic) là những mảnh nhựa nhỏ có đường kính nhỏ hơn 5mm. Chúng được tạo ra khi những mảng nhựa lớn bị phá huỷ trong môi trường.

Ngày nay, do việc sử dụng nhựa trên thế giới ngày càng tăng, rác thải nhựa tràn ngập ở các sông và đại dương. Ước tính có khoảng 8,8 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra biển mỗi năm. Trong số đó, khối lượng khổng lồ 276.000 tấn nhựa hiện đang trôi nổi trên biển và phần còn lại bị đánh dạt vào bờ.

 

Những hạt vi nhựa này được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới như trong đại dương, sông, đất và nhiều môi trường khác, trong đó thực phẩm cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, hải sản mới là thứ chứa nhiều hạt vi nhựa nhất vì những hạt này đặc biệt phổ biến trong nước biển. Cá và các sinh vật biển sống trong môi trường này thường ăn phải các hạt đó do chúng nhầm lẫn nhựa với thức ăn, dẫn đến việc tích tụ các hoá chất độc hại bên trong gan cá. Đặc biệt, sò và hàu có nguy cơ nhiễm vi nhựa cao hơn nhiều so với hầu hết các loài khác. Những người thường xuyên tiêu thụ sò có thể ăn tới 11.000 hạt vi nhựa mỗi năm.

Sự có mặt của hạt vi nhựa trong hải sản đã đặt ra nhiều mối nguy đối với sức khỏe con người. Hải sản là nguồn thực phẩm thiết yếu của con người, những hạt vi nhựa này hiện diện trong hệ tiêu hóa có thể mang lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn do sự phân tán của các hạt vi nhựa trong khắp cơ thể. Nhập bào (endocytosis) và thẩm thấu (persorption) là 2 con đường phổ biến nhất giúp hạt vi nhựa thâm nhập vào cơ thể con người.

 

Vi nhựa còn có mặt trong muối, bia, trái cây tươi, rau quả và nước uống. Một nghiên cứu gần đây đã kiểm tra 15 nhãn hiệu muối biển khác nhau và tìm thấy tới 600 hạt vi nhựa trên mỗi kg muối. Các nghiên cứu khác cũng đã phát hiện tới 660 sợi nhựa trên mỗi kg mật ong và lên tới khoảng 109 mảnh nhựa với mỗi lít bia.

 

Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng Phthalates – một loại hóa chất được sử dụng để làm nhựa dẻo – đã được chứng minh là làm tăng sự phát triển của các tế bào ung thư vú. Một số bằng chứng cũng đã cho thấy Bisphenol A (BPA) – thành phần hoá học phổ biến trong nhựa, thường thấy trong bao bì hoặc hộp đựng thực phẩm – có thể ảnh hưởng đến hoóc môn sinh sản, đặc biệt ở phụ nữ.

Chúng ta không thể ngồi yên được nữa mà phải hành động để bảo vệ môi trường, điều đó cũng chính là để bảo vệ sức khoẻ của chúng ta. Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ như tự nâng cao ý thức của bản thân và cộng đồng, thay đổi những thói qua sinh hoạt hàng ngày, hạn chế sử dụng nhựa hoặc thay thế bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường, từng bước đem màu xanh đến với cuộc sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo