Rác thải nhựa không tự sinh ra, cũng không tự mất đi. Chúng chỉ chuyển từ nhà chúng ta ra bãi rác, rồi từ bãi rác sẽ bắt đầu âm thầm hủy hoại thiên nhiên, động vật và cuộc sống của con người. Rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu.
Vậy thì thực trạng ấy nguy hiểm đến mức nào?
– Năm 2015, ước tính 4,8 đến 12,7 triệu tấn đã nằm trong đại dương (trên tổng số 275 triệu tấn nhựa sản xuất từ 192 quốc gia ven biển vào năm 2010) (Jenna R. Jambeck, 2015).
– Khối lượng sản phẩm nhựa sản xuất hàng năm đã tăng gấp 20 lần trong 50 năm qua và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới.
– 1,124 triệu tấn là con số dự đoán cho số nhựa được sản xuất vào năm 2050.
Những con số trên đã chỉ ra một tương lai chìm trông “ô nhiễm trắng” nếu số lượng sản phẩm nhựa này nếu không được thu gom, tái chế, tái sử dụng một cách triệt để.
Nhựa âm thầm hủy hoại thiên nhiên ra sao?
– Cảnh quan thiên nhiên bị phá hủy: lượng rác thải ra môi trường tự nhiên hoặc bị chôn lấp ngày càng tăng lên, trong đó nhựa chiếm một tỷ lệ đáng kể (50-80%) tổng khối lượng rác được tìm thấy trên bờ biển.
– Các hoạt động hàng hải bao gồm đánh bắt hải sản và du lịch cũng bị ảnh hưởng. Lưới đánh cá bị vứt bỏ (lưới ma) trôi nổi gây thiệt hại cho ngư dân khai thác thủy sản. Trong môi trường biển, các mảnh vụn nhựa có chứa các chất gây ô nhiễm hữu cơ bao gồm biphenyls polychlorin hóa (PCB), thuốc trừ sâu (DDT), polybrominated diphenyl ethers (PBDE), alkylphenol và bisphenol A (BPA)… chuyển từ nhựa sang chim biển và các loài động vật khác. Hầu hết các chất hóa dẻo (plasticizers) ảnh hưởng đến chức năng của hormone. Các chất này không chỉ ảnh hưởng đến những sinh vật tiêu thụ trực tiếp mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Việt Nam của chúng ta có đang gặp nguy hiểm?
Với khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới trong số 20 quốc gia được nghiên cứu, khối lượng rác thải nhựa từ Việt Nam ra biển dao động trong tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia thải nhiều nhất (Jambeck et al., 2015).
Nguyên nhân của sự “bùng nổ” rác thải nhựa?
Phần lớn đến từ các hoạt động của ngành công nghiệp, sự tiêu dùng hàng ngày và đặc biệt thiếu chính sách hiệu quả trong kiểm soát, quản lý loại chất thải này.
Mỗi quốc gia cần có quyết tâm tham gia và phối hợp chặt chẽ từ tất cả các bên liên quan để đưa ra các chính sách ưu tiên, mạnh tay và quyết liệt để đẩy lùi ô nhiễm trắng.
Đối mặt với vấn nạn nghiêm trọng như vậy, chúng ta không thể nào ngồi yên. Giờ việc bảo vệ môi trường không phải là việc NÊN, mà là VIỆC PHẢI THỰC HIỆN, HÀNH ĐỘNG NGAY LẬP TỨC. Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ như tự nâng cao ý thức của bản thân và cộng đồng, thay đổi những thói qua sinh hoạt hàng ngày, hạn chế sử dụng nhựa hoặc thay thế bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường, từng bước đem màu xanh đến với cuộc sống.